Được gọi bằng cái tên mỹ miều là “Làng Trong Phố”, Buôn Cô Thôn là buôn làng mang đậm dấu ấn văn hóa của người dân tộc Ê Đê ngay trong chốn ồn ào đô thị của Thành Phố Buôn Ma Thuột. Nơi đây luôn khiến du khách lưu luyến mỗi khi rời đi bởi sự hiếu khách và những trải nghiệm không khí Đăk Lăk không thể nào quên. Cùng Review Đắk Lắk khám phá ngay nét độc đáo của Buôn làng này tại bài viết này.
Vị trí địa lý và ý nghĩa tên gọi của Buôn Cô Thôn
Buôn Cô Thôn hay còn gọi là Buôn Akõ Dhông được thành lập năm 1956, là một buôn của làng Marin của dân tộc Ê Đê. Buôn nằm cuối đường Trần Nhật Duật, phường Tân Lợi, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột tầm 2km về phía Bắc.
Thực chất tên gọi Buôn Cô Thôn là cái tên được người Kinh lái lại để dễ đọc dễ nhớ, tên gọi chính xác của buôn làng này là Akõ Dhông. Cái tên này trong tiếng Ê Đê có ý nghĩa là “đầu nguồn suối”, trong đó Akõ là “đầu nguồn” còn Dhông là “suối”. Tại sao có tên như vậy vì khi thành lập, buôn làm nằm đầu nguồn của 6 suối là Ea Dung, Ea Giang, Ea Ding, Ea Pui, Thun M’nung và Ea Nuôl, trong đó suối Ea Nuôl là con suối lớn nhất Buôn Ma Thuột.
Ngoài cái tên “Làng Trong Phố” thì Buôn Akõ Dhông còn được xem là buôn làng giàu mạnh nhất Tây Nguyên do nhận được đầu tư mạnh tay từ các chính sách của địa phương để lưu giữ nét đẹp văn hóa Tây Nguyên.
Buôn Cô Thôn – Nơi giữ gìn văn hóa Tây Nguyên
Ngày nay, Cô Thôn là một buôn làng độc đáo nằm ngay trong lòng thành phố Buôn Ma Thuột. Nơi đây nổi bật bởi việc gìn giữ 32 ngôi nhà dài, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Tây Nguyên, như 30 bộ cồng chiêng, 50 khung dệt truyền thống, cùng với nhiều món đồ như ché, tượng, đồ chạm khắc, sáo môi, đàn lồ ô…
Mỗi gia đình ở Cô Thôn đều có thể làm rượu cần, đan lát và chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình. Ngoài ra, người dân còn được hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng, biến Cô Thôn thành một địa điểm du lịch hấp dẫn du khách.
Nhà dài truyền thống
Là biểu tượng văn hóa đặc sắc của người Ê Đê, nhà dài truyền thống phản ánh lối sống cộng đồng và sự gắn bó chặt chẽ trong gia đình và bản làng. Thông thường, nhà dài được xây dựng bằng gỗ có chiều dài từ 10m đến 20m, mái được lợp bằng tranh hoặc lá cọ, ngày nay để lưu giữ được lâu hơn thì mái đã chuyển qua được lợp bằng ngói thay vì tranh hoặc cọ.
Tại Buôn Cô Thôn, hiện nay trong buôn có hơn 30 nhà dài truyền thống xếp dọc trục đường chính, được xây dựng bằng gỗ cà chít hoặc giáng hương. Đây là những loại gỗ rắn chắc nên dù nhiều năm trôi qua, nahf dài cổ vẫn được lưu giữ và không bị xuống cấp.
Xem thêm: Nhà dài của người Ê đê: Kiến trúc truyền thống độc đáo
Cồng chiêng
Văn hóa cồng chiêng tại buôn làng Ako Dhông vẫn được lưu trữ và truyền tải cho khách du lịch trong hàng năm nay. Đối với người dân Ê Đê, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ mà còn là phương tiện để kết nối con người với thần linh, là biểu tượng văn hóa độc đáo với những hoa văn khắc họa lên bề mặt, mang đậm bản sắc nghệ thuật của các dân tộc Tây Nguyên.
Du khách có thể thưởng thưởng thức tiếng cồng chiêng trong những ngày cuối tuần tại nhà dân hoặc đặc biệt hơn là trong các lễ hội như Lễ hội Cồng Chiêng, Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng bến nước, Lễ hội cà phê,…
Ẩm thực của người đồng bào Ê Đê
Một điểm đặc sắc không thể thiếu của Buôn Cô Thông là đặc trưng ẩm thực của người Ê Đê trong bữa cơm hằng ngày tại đây.
Du khách có thể thưởng thức tất cả các món ăn đặc sản nức tiếng của người Ê Đê. Có thể kể đến như: Gà nướng cơm lam, heo rừng nướng, cá giã, gỏi cà đắng cá khô, đu đủ giã kiến vàng, lẩu lá rừng,…Ngoài ra ở đây cũng có phục vụ các loại thức uống thơm ngon hương vị Tây Nguyên như cà phê, rượu cần, trà hoa cà phê,…
Ẩm thực của người Ê Đê tại làng Cô Thôn không chỉ ngon mà còn phản ánh bản sắc văn hóa lâu đời, gắn liền với đời sống cộng đồng và các phong tục tập quán truyền thống.
Trang phục truyền thống
Trang phục truyền thống của người Ê Đê cũng là một nét văn hóa đặc trưng tại nơi này. Khi du khách ghé thăm buôn Cô Thôn sẽ bắt gặp người dân ở đây mặc trang phục truyền thống của mình để tiếp đón bạn.
Trang phục truyền thống của người Ê Đê phản ánh văn hóa và bản sắc dân tộc, với sự khác biệt giữa nam và nữ. Phụ nữ Ê Đê mặc áo ngắn, có tay hoặc không tay, được dệt từ vải thổ cẩm với họa tiết hình học hoặc hoa văn dân gian, kết hợp với váy dài, ôm sát cơ thể. Trang phục thường có màu sắc tươi sáng như đỏ, xanh, vàng. Phụ nữ còn đeo nhiều đồ trang sức như vòng cổ, vòng tay bằng bạc hoặc đồng.
Nam giới Ê Đê mặc áo cộc tay, quần dài từ vải thổ cẩm, thường có màu tối như đen, nâu. Họ cũng dùng một dải vải thắt quanh eo để giữ quần. Trong các dịp lễ hội, cưới hỏi, trang phục của cả nam và nữ được trang trí cầu kỳ hơn, với các họa tiết tinh xảo và phụ kiện như mũ, khăn choàng.
Trang phục của người Ê Đê đơn giản, gần gũi với thiên nhiên, với các màu sắc và họa tiết mang ý nghĩa sâu sắc về sự phát triển, sinh sôi và thịnh vượng của cộng đồng.
Các hoạt động trải nghiệm tại Buôn Cô Thông
Đến Buôn Cô Thôn bạn có thể tham gia trải nghiệm những hoạt động văn hóa truyền thống như:
- Dệt thổ cẩm: Dệt vải thổ cẩm là một nghề thủ công truyền thống của người Ê Đê. Du khách có thể tham gia vào quá trình dệt vải trên các khung cửi truyền thống, học hỏi về kỹ thuật dệt và các họa tiết đặc trưng của dân tộc Ê Đê.
- Làm rượu cần: Du khách có thể học cách làm rượu cần, một thức uống truyền thống đặc trưng của người Ê Đê, tham gia vào quá trình lên men và thưởng thức rượu cần trong các buổi tụ họp cộng đồng.
-
Tham gia các lễ hội và nghi lễ truyền thống: Du khách còn có cơ hội tham gia các lễ hội truyền thống của người Ê Đê như lễ cúng bái, đâm trâu, hay các hoạt động văn hóa dân gian như múa cồng chiêng, nhảy múa, giao lưu cùng cộng đồng địa phương.
Chia sẻ kinh nghiệm du lịch tại Buôn Cô Thông
Để đến được với Buôn Cô Thôn và thưởng thức trọn vẹn không khí nơi đây, chúng tôi sẽ chia sẻ cho bạn một số kinh nghiệm khi du lịch tại nơi này.
Xem thêm: Sinh thái Akô Dhông A Cô Thông: Hành trình khám phá Tây Nguyên
Di chuyển
Bắt đầu từ tượng đài Chiến Thắng, du khách di chuyển thêm 2km trên đường Phan Châu Trinh. Sau đó bạn rẽ trái, đi thêm 1,5km nữa là bạn đã thưởng thức được không khí thiên nhiên thanh bình của Buôn Cô Thôn.
Bạn có thể di chuyển đến bằng các loại phương tiện như taxi truyền thống, Xanh SM, hay Grab,… rất nhiều lựa chọn di chuyển thoải mái cho bạn.
Lưu trú
Về lưu trú, nếu ngại xa, bạn có thể lưu trú ngay trong nhà dân tại buôn. Điều này giúp bạn có trải nghiệm hoàn hảo hơn về văn hóa và ẩm thực của người dân trong buôn và giúp bạn tận hưởng vẻ đẹp và không khí thiên nhiên nơi phố núi. Ngoài ra, buôn nằm rất gần trung tâm thành phố nên du khách có thể dễ dàng di chuyển đi các nơi vui chơi khác.
Ăn uống
Hãy thưởng thức các món ăn đặc sản đồng bào của người Ê Đê tại đây. Vì đây là buôn làng truyền thống nên các món ăn trong thôn sẽ luôn được lưu giữ nguyên vị mà không bị biến tấu. Bạn sẽ được nếm thử hương vị thơm ngon của các món ăn trong bữa cơm hằng ngày của người dân Ê Đê.
Một số món ăn bạn nên thử khi đến đây: gỏi cà đắng cá khô, đu đủ giã kiến vàng, lẩu lá rừng, gà nướng bản đôn, cà đắng giã muối lá é, rượu cần,…
Mẹo nhỏ
Du khách nên ghé thăm Buôn Cô Thông vào thời điểm từ tháng 12 đến tháng 2. Đây là lúc thời tiết Đắk Lắk nói chung và buôn nói riêng trở nên mát mẻ nhất. Thời tiết trở nên se lạnh, những bông hoa cà phê đương độ nở rộ để đón một mùa mới, rất thích hợp để bạn nhâm nhi cốc cà phê Đăk Lăk, ngồi bên bếp lửa và ngắm phong cảnh nơi đây.
Kết luận
Trên đây là một vài chia sẻ của chúng tôi về địa điểm du lịch đáng thử này. Hãy đến Buôn Cô Thôn để trải nghiệm mặc trang phục truyền thống người dân Ê Đê cùng với đó là thưởng thức vũ điệu cồng chiêng và thưởng thức ẩm thực thơm ngon quên lối về bạn nhé.